lsht-ubnd-tpvt - Cải cách hành chính

 

Lịch sử hình thành

Ngày 15-07-2021

         Sau khi thống nhất sơn hà (1802), vua Gia Long đẩy mạnh chủ trương khẩn hoang lập ấp đã có từ trước như vừa nêu. Đạo Kiên Giang đổi thành huyện Kiên Giang, thuộc trấn Hà Tiên là một bước kiện toàn và mở rộng lãnh thổ về mặt hành chính với 2 tổng, 11 xã thôn. Vùng Vị Thanh nằm trong thôn Thuận Hòa, tổng Thanh Giang (cùng tổng với vùng Long Mỹ, là thôn Vĩnh Thuận). Đến triều Minh Mạng, toàn vùng Gia Định thành đổi thành Nam Kỳ lục tỉnh, vùng Vị Thanh vẫn thuộc huyện Kiên Giang, tỉnh Hà Tiên… “Vùng Rạch Giá - Cà Mau lần lần trở nên trù phú nhờ những năm thái bình.

         Việc khai thác đất hoang ở ven sông, ven rạch đều do người Việt Nam từ An Giang đến. Từ Sa Đéc họ đi thẳng qua Rạch Giá nhờ kinh Núi Sập (Thoại Hà). Từ Ba Xuyên họ đến vùng sông Cái Lớn theo ngọn Rạch Ngang Dừa…” (Sơn Nam, Tìm hiểu Đất và Người Hậu Giang, Sđđ). Đến đầu thế kỷ XVIII, vùng đất bên kia sông Hậu, sông Tiền như Mỹ Tho, Bến Tre, Cái Bè, Sa Đéc, Vĩnh Long…Cơ bản đã hoàn tất công cuộc khẩn hoang. Thời các chúa Nguyễn, từ năm 1732 vùng Cái Bè, Vĩnh Long từng là lỵ sở dinh Long Hồ, cai quản đến chót mũi Cà Mau. Nơi đây chợ phố trù mật, trong khi vùng Trấn Giang (Cần Thơ) chỉ có một thủ sở lo thu thuế và ngôi chợ nhỏ Tân An… Chợ Rạch Giá sung túc từ thời Mạc Thiên Tích, nhưng 3 xã mới lập quanh vùng (bao gồm đất Vị Thanh - Long Mỹ), thì chưa được mở mang bao nhiêu. Tuy nhiên, năm 1853 vua Tự Đức ban hành chính sách khẩn hoang lập đồn điền, lập ấp một cách rõ ràng, cụ thể đối với hai tỉnh An Giang, Hà Tiên. Theo đó, về lập ấp: “…Dân trong ấp sống theo quy chế dân sự, không bị câu thúc nhiều? Con số tối thiểu để lập một ấp là 10 người, đủ số ấy mới được chọn đất mà khai khẩn, lập bộ…người Tàu cũng có thể mộ dân lập ấp, lệ khen thưởng:

       Mộ dân lập ấp được 30 người thì tha xâu thuế trọn đời, 50 người thì hưởng chánh cửu phẩm, 100 người thưởng chánh bát phẩm…” (Sơn Nam, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, NXB Văn Nghệ, tp. Hồ Chí Minh 1994). Ngay cả những tù phạm cũng được đứng ra mộ dân, lập ấp, chính sách đột phá như trên, có sức tác động mạnh mẽ, rộng rãi, khuyến khích lớp người khẩn hoang sau này. Họ không chỉ đông đảo về nhân lực mà còn dồi dào về tài lực, vật lực. Đáng kể, nhiều người có vốn kiến thức; biết vận dụng lề lối canh tác phù hợp trên vùng đất mới lắm phèn mặn, thiếu nước ngọt. Vậy là hàng đoàn dân cư từ miệt sông Tiền, sông Hậu mạnh dạn, háo hức về đây lập nghiệp. Ngay tại làng Nhơn Ái (Phong Điền), một xứ vườn mới phát của vùng Cần Thơ, nhiều người có vốn, kinh nghiệm canh tác đã rủ nhau tìm về vùng sông Cái Lớn khẩn đất, những mong tạo dựng được cơ nghiệp. Lúc này vùng Cần Thơ và lân cận đã phát triển mạnh về nông nghiệp, dân khẩn hoang thời trước đã sở hữu nhiều đất đai, biết lập vườn. Nhà Nam Bộ học Sơn Nam đã mô tả bước chân người mở đất thật xác thực, về bối cảnh gian nan của con đường qua vùng rừng sông Cái Lớn. Cho thấy sự chuẩn bị chu đáo, phản ánh trí thông minh, tinh thần kết đoàn, giúp nhau vượt khó của thế hệ tiền nhân. “… Đoàn người từ Phong Điền (Cần Thơ) ra đi tìm đất lập nghiệp. Họ đi từng đoàn gồm bốn, năm chiếc xuồng và một chiếc ghe lớn: Dao, búa, cưa, nồi, chén đều chuẩn bị sẵn. Ghe lớn chở gạo, lúa ăn và lúa giống. Nghe đồn ở vùng ngọn sông Cái Lớn còn nhiều đất để khai phá. Họ dọ đường, chưa nhất quyết sẽ đến định cư nơi đâu. Dọc đường theo rạch Ba Láng, gặp bất cứ người đi rừng nào, bất cứ làn khói nào họ cũng ghé làm quen. Người cũ chỉ dẫn người mới một cách thật thà, niềm nở. Hôm sau đoàn người lại ra đi, thường thường là do người bạn mới quen nọ dẫn đường. Ven sông Cái Lớn thuộc phần đất cao, không bao giờ ngập nước; rừng dây bịt, loại rừng gừa, vì phần lớn là cây gừa; ngoài ra còn có cây xộp, bàng, mù u, sắn. Sát bãi sông có rừng bần. Họ vào vàm rạch nhỏ, qua năm bảy trăm thước cây rừng ngày một thưa thớt. Quá một ngàn thước, gần ngọn rạch là vùng sậy đế đất thấp hơn ngoài ven sông Cái… Vùng trong ngọn này thuận tiện cho họ vì hai lẽ:

       - Đất thấp, mùa mưa đủ nước làm ruộng; sậy đế dể dọn, cứ đốt trước rồi chặt những gốc còn sót lại.

      - Xa cọp, xa sấu. Cọp chỉ ở rừng gừa ven sông; sấu không dám vô rạch nhỏ, nếu có thì chỉ bén mảng ngoài vàm, cứ xốc một hàng cừ chận ngang là yên. Cột nhà, lá lợp đã sẳn có ở chung quanh. Mùa khai hoang đầu tiên thường là không đủ gạo ăn, họ qua mấy vùng kế bên vay mượn hoặc tìm sáp ong, chở một ghe củi trở về Cần Thơ mà đổi lấy gạo, vải, thuốc uống…” Qua các đoạn mô tả của Nhà Nam Bộ học Sơn Nam, hình ảnh vùng đất hoang Vị Thanh xưa dần rỏ nét. Đó là địa bàn xã Vĩnh Hòa đất rộng người thưa, thuộc tổng Thanh Giang, huyện Gò Quao và một phần huyện Long Mỹ ngày nay. Những nỗ lực công cuộc khẩn hoang mở đất đã mang lại kết quả, đặt dấu mốc lịch sử cho sự ra đời chính thức của xã Hỏa Lựu và xã Vị Thủy vào triều Minh Mạng thứ 16 năm 1836, bao gồm hầu hết địa bàn thành phố Vị Thanh ngày nay. Những thành quả công cuộc khẩn hoang từ thời các chúa Nguyễn và các triều Nguyễn, có thể đi đến mấy kết luận:

       - Từ năm 1711 vùng Vị Thanh chính thức nằm trong bản đồ Đại Việt (thời các chúa Nguyễn), khi Mạc Cửu thành lập 07 xã trong vịnh Xiêm La. Tuy nhiên, mãi đến thời Mạc Thiên Tích thành lập các đạo Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (Sóc Trăng) và Long Xuyên (Cà Mau); rồi tiếp nối đến giai đoạn Gia Long thống nhất sơn hà (1802) thì công cuộc khẩn hoang mở đất mới đạt được những bước tiến.Lúc này địa danh hành chính xã Hỏa Lựu và xã Vị Thủy (bao gồm TP. Vị Thanh ngày nay) chính thức ra đời thuộc tổng Giang Ninh mới lập.

       - Đặc điểm đất đai tự nhiên ở đây là rừng hoang, nhưng kèm theo cả nguồn lợi sẵn có: Trước hết là vùng bãi bồi, đất doi ven sông, rạch với rừng dừa nước mịt mùng; cũng là chỗ trú thân của loài sấu. Kế đến, phần đất trên bờ sông gồm dãy rừng gừa che phủ. Đất mới này khá hấp dẫn người khẩn hoang, vì đất tốt, cao ráo, dễ khai phá trồng trọt hơn. Tuy nhiên, lại là giang sơn của loài cọp dữ. Cạnh đó, là những cánh rừng tràm mênh mông nối sâu về phía đồng trũng ngập nước (có lẽ thuộc khu vực hai bờ kinh xáng Xà No, đoạn Vị Thanh). Đây là vùng đất vừa rộng, lại có tài nguyên ong mật nên người khẩn hoang có thể “khoét lõm” khai phá dần theo hướng ra sông Cái. Dấu tích của rừng tràm ngày nay vẫn còn khá nhiều, bởi thổ nhưỡng ở đây thích hợp với cây tràm, thường thấy ở vùng Hỏa Lựu, kinh Năm, Hỏa Tiến. Phía bãi bồi sông, rạch đến bây giờ vẫn dừa nước và dừa nước. Duy có phần đất bờ sông đã được cải tạo hầu hết thành thổ cư, thành vườn rẫy.       

        - Về thành phần cư dân: Lớp người đầu tiên đến khai phá rất ít, có nguồn gốc từ Rạch Giá, Hà Tiên theo đường biển vô Cái Lớn khá nguy hiểm. Các lớp người đi sau hầu hết từ miệt Cần Thơ, Sa Đéc, Vĩnh Long…chủ yếu đi tắt từ ngã sông Cần Thơ qua rạch Ba Láng, Láng Hầm rồi băng qua cánh đồng sậy, đế lớn giữa đất Rạch Giá - Cần Thơ. Vào mùa nước nổi xuồng ghe dễ di chuyển nhiều người theo một hướng đi khác, từ Bạc Liêu qua theo ngã Rạch Nước Trong....Như vậy có thể nói: Lớp tiền nhân khẩn hoang ở vùng Vị Thanh xưa, hầu hết không phải đến trực tiếp từ đất Ngũ Quảng miền ngoài. Họ thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba đã vào sinh cơ lập nghiệp trước tại vùng đất hai bờ sông Tiền và bên kia sông Hậu như: Bến Tre, Long An, Mỹ Tho, Cái Bè, Sa Đéc…Việc khẩn hoang hoàn tất nên con, cháu họ lớn lên lại muốn ra đi tìm đất mới, tìm phương lập nghiệp riêng.

Đang online: 2
Hôm nay: 549
Đã truy cập: 944804