I. Quá trình hình thành và phát triển:
Sau hiệp định Geneve 1954 vùng đất Long Mỹ - Phụng Hiệp lại có nhiều thay đổi: Vào năm 1960, quận Long Mỹ tách ra và thành lập một quận mới là Đức Long. Hai quận đều trực thuộc tỉnh Phong Dinh, bao gồm các xã: Vị Thanh, Vị Thủy, Vĩnh Tường, Hỏa Lựu, Vị Đức, Hòa An (về sau bổ sung thêm một xã từ quận Giồng Riềng là Ngọc Hòa). Quận Đức Long đóng tại xã Hỏa Lựu, năm 1963 dời về xã Vị Thủy (chân cầu Nàng Mau), quá trình lập quận mới Đức Long, chính quyền Ngô Đình Diệm xây hai khu trù mật: Vị Thanh - Hỏa Lựu, khánh thành ngày 01/3/1961.
Với ý đồ ngăn chặn lực lượng cách mạng từ cửa ngõ U Minh, xiết chặt việc kiểm soát dân chúng, bảo vệ Cần Thơ và vùng 4 chiến thuật, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh ngày 21/12/1961 thành lập đô thị của tỉnh Chương Thiện. Tỉnh Chương Thiện bao gồm 5 quận: Long Mỹ, Đức Long, Kiến Hưng (huyện Gò Quao, Kiên Giang ngày nay), quận Kiến Thiện (huyện Hồng Dân, Bạc Liêu ngày nay), quận Kiến Long (huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang ngày nay).
Sau ngày giải phóng, địa giới hành chính vùng đất Long Mỹ - Vị Thanh có sự điều chỉnh: Lúc đầu thành phố Vị Thanh trực thuộc tỉnh Hậu Giang cũ (1975 - 1977). Đến 01/01/1978, Vị Thanh được ghép với huyện Long Mỹ thành huyện Long Mỹ. Ngày 15/02/1983, huyện Long Mỹ tách ra thành hai huyện: Vị Thanh và Long Mỹ. Ngày 01/7/1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/1999/NĐ-CP thành lập thị xã Vị Thanh và đổi tên huyện Vị Thanh thành huyện Vị Thủy, tất cả đều thuộc tỉnh Cần Thơ. Ngày 01/01/2004, tỉnh Cần Thơ được chia thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang ngày nay. Đến ngày 23/9/2010, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP thành lập thành phố Vị Thanh thuộc tỉnh Hậu Giang.
Thành phố Vị Thanh là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Hậu Giang. Có địa giới hành chính tiếp giáp các đơn vị: Phía Đông giáp huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang; Phía Tây giáp huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang; Phía Nam giáp huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; Phía Bắc giáp huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang và huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Tổng diện tích tự nhiên là 11.886,42ha (chiếm 7,39% diện tích tự nhiên toàn tỉnh). Dân số trung bình của thành phố năm 2018 là 76.316 người, dân số cơ học 102.000 người chiếm 10,2% dân số toàn tỉnh; mật độ là 843,6 người/km2, dân số thành thị chiếm 59,39%, dân tộc kinh 88,69%, dân tộc thiểu số chiếm 11,31%. Có 9 đơn vị hành chính cấp xã gồm 05 phường: I, III, IV, V, VII và 04 xã: Tân Tiến, Vị Tân, Hỏa Tiến, Hỏa Lựu; 13 cơ quan chuyên môn, 07 đơn vị sự nghiệp và 30 trường học trực thuộc.
II. Các thành tích về KTXH-ANQP:
1. Danh hiệu thi đua:
- Năm 2018: Cờ Thi đua của Chính phủ Quyết định số 980/QĐ-UBND ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
- Năm 2019: Cờ Thi đua của Chính phủ Quyết định số 1709/QQĐ-UBND ngày 02/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Hình thức khen thưởng:
Năm 2008: Huân chương Lao động hạng nhất số 1227/QĐ-CTN ngày 24/8/2009 của Chủ tịch nước.
- Năm 2021: Huân chương Độc lập hạng ba số 109/QĐ-CTN ngày 19/01/2022 của Chủ tịch nước.
III. Thành tích nổi bật từ năm 2004 đến nay:
Từ xa xưa mảnh đất này đã là một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ, ngày nay, Vị Thanh là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và là đầu mối giao thông của tỉnh Hậu Giang, là điểm tựa quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh Hậu Giang và tiểu vùng Tây sông Hậu, có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng. Năm 2009, thị xã Vị Thanh được công nhận là đô thị loại III tại Quyết định số 1156/QĐ-BXD ngày 15 tháng 12 năm 2009 của Bộ Xây dựng. Năm 2010, Thủ thướng Chính phủ ký Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2010 về việc thành lập thành phố Vị Thanh thuộc tỉnh Hậu Giang trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên của thị xã Vị Thanh. Với quyết tâm xây dựng thành phố Vị Thanh mở rộng đến năm 2020 đạt tiêu chuẩn đô thị loại II phù hợp với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIII với mục tiêu phấn đấu đưa Hậu Giang trở thành tỉnh khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sau gần 10 năm được công nhận, thành phố Vị Thanh đã có bước phát triển về mọi mặt. Kinh tế tăng trưởng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh. Đời sống người dân được cải thiện, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật được tập trung đầu tư với nhiều dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và chỉnh trang, đặc biệt là hệ thống giao thông, công sở, cơ sở y tế, văn hóa, trường học, hệ thống cấp điện, cấp nước, viễn thông... được triển khai xây dựng khá đồng bộ hướng tới đô thị văn minh hiện đại., thành phố Vị Thanh mở rộng là đô thị loại II.
IV. Các công trình kiến trúc, các khu di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn (tóm tắt tiểu sử và hình ảnh):
Tiến độ đô thị hóa ngày càng đẩy nhanh, tốc độ phát triển kinh tế cao làm cho bộ mặt thành phố sáng, đẹp hiện đại văn minh. Song, những giá trị truyền thống xưa luôn được người dân Vị Thanh giữ gìn và phát huy.
Quá trình đấu tranh giữ nước kiên cường, đầy gian khổ, hy sinh của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào luôn là nét son lịch sử vẻ vang in đậm trong long người dân. Đến nay, trên địa bàn thành phố Vị Thanh đã được Trung ương và UBND tỉnh công nhận các di tích lịch sử, văn hóa như:
1. Di tích Lịch sử, văn hóa cáp quốc gia đặc biệt - Chiến thắng Chương Thiện (1973).
Dọc theo kênh sáng Xà No, Khu di tích Lịch sử, văn hóa cấp quốc gia đặc biệt - Chiến thắng Chương Thiện là nơi ghi lại chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch của quân và dân khu Tây Nam Bộ (Khu 9). Đây là chiến công sáng ngời đi vào lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân Khu 9 trong giai đoạn chiến tranh ác liệt trên chiến trường Chương Thiện vào năm 1973.
2. Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia - Khu Trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu (1959):
Nói đến Vị Thanh, có lẽ không ai quên một thời kỳ hết sức khó khăn của phong trào cách mạng nơi đây. Thực hiện luật 10/59 thảm sát những người yêu nước, chính quyền Ngô Đình Diệm đã lập nên một trại tập trung khổng lồ gọi là “Khu Trù mật”, trên địa bàn hai xã Vị Thanh - Hỏa Lựu. Ý đồ khu Trù mật là “gom dân, quy khu” làm chổ dựa để đanh phá, ngăn chặn lực lượng cách mạng từ phía U Minh. Đồng thời, nhằm bảo vệ cơ quan đầu mão vùng IV chiến thuật Ngụy quyền đóng tại thành phố Cần Thơ. Chúng bắt hàng chục ngàn lượt dân công, khắp các nơi về làm xâu trong suốt 06 tháng. Ngày 12/3/1960, lễ khánh thành có Ngô Đình Diệm tham dự. Địch gom, dồn hành chục ngàn dân nông thôn quanh vùng, về ở trong khu Trù mật, giữa bốn bề thép gai. Cuộc sống ngục tù, tăm tối được nhà thơ Viễng Phương miêu tả:
“Khu chiều xuống rào gai vừa khép chặt
Tiếng mõ canh như tiếng cú gọi hồn
Uất hận trào dâng, chờ ngày tháo cũi sổ lồng”
3. Di tích Lịch sử, Văn hóa quốc gia - Chiến thắng trận đánh tàu tại vàm Cái Sình (1952):
Từ trung tâm thành phố Vị Thanh, theo quốc lộ 61, đi về hướng cầu Cái Tư khoang 05km, là đến địa điểm di tịch “Chiến thắng trận đánh tàu địch tại vàm Cái Sình”.
Đây là sự kiện lịch sử vang dội thời kháng chiến chống Pháp, tại vùng Vị Thanh - Hỏa Lựu vào ngày 20/12/1952. Lúc này cầu Cái Sình đã bị ta phá sập, từ Vị Thanh không thể di chuyển bằng đường lộ xe, nên bọn Pháp dung tàu sắt mặt dựng LCT, chuyển quân lính qua bên kia bờ Hỏa Lựu. Nắm được tình hình, một số đơn vị thuộc lực lượng vũ trang tỉnh Cần Thơ dung bộc phá ghép thủy lôi, chờ tàu địch qua song. Đúng 15 giờ ngày 20/12/1959, khi tàu địch lui ra giữa vàm Cái Sình, ta cho thủy lôi điểm hỏa. Sau một tiếng nổ lớn, tàu địch cùng hàng trăm lính và vũ khí bị đánh chiềm, chết tại chỗ.
4. Di tích Lịch sử, Văn hóa cấp tỉnh - Khu căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ tại Chìa Khóm - xã Hỏa Tiến (1965- 1967):
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngoài một số điểm từng đứng chân, thời gian không dài - có 02 cơ quan Tỉnh ủy Cần Thơ hình thành qua từng giai đoạn, mang nhiều dấu ấn lịch sử: Căn cứ Bà Bái (Phương Bình, Phụng Hiệp) từ năm 1972 đến năm 1975, chỉ đạo đánh kế hoạch bình định 1973 của địch và cuộc tổng tấn công mùa xuân năm 1975. Trước đó, từ năm 1965 đến 1967 căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ đóng tại căn cứ “Chìa Khóm”, thuộc ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Lựu, nay tọa lạc bên đường Độc Lập, ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến.
Tại khu căn cứ có một số bộ phận phục vụ Tỉnh ủy như: Văn phòng, Tổ cơ yếu, Tổ mã thám, Ban thông tin điện đài, Trạm giao liên nội địa (A606), giao liên công khai (CK), Ban căn cứ, Tổ bảo vệ, Đội phòng thủ (2012).
Với điều kiện thuận lợi: Tọa lạc bên bờ rạch Cái Tư, trong vùng chuyên canh cây khóm Cầu Đúc nổi tiếng, vừa hình thành khu du lịch sinh thái cộng đồng - di tích căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ tại Chìa Khóm, sẽ thu hút nhiều khách đến tham quan.
5. Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh - Khu di tích căn cứ Thị xã ủy Vị Thanh (1966 - 1975):
Đến năm 1966, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới, Tỉnh ủy Cần Thơ quyết định thành lập Đảng bộ thị xã Vị Thanh, trên cơ sở chi bộ thị trấn Vị Thanh. Đó cũng là mốc thời gian lịch sử, đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng cách mạng thị xã, khi trực tiếp đối đầu với tỉnh lỵ Chương Thiện của địch.
Căn cứ Thị xã ủy nằm giữa rừng cây rậm rạp, bên bờ sông Lá Ba Doi, nhưng gần nhà dân, có hầm bí mật được bà con che chở, bảo vệ mỗi khi địch càn quét.
Tại khu căn cứ - Thị xã ủy Vị Thanh đã chỉ đạo nhiều trận đánh, cũng như tổ chức nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân, kéo về tỉnh lỵ Chương Thiện. Đặc biệt đã kiên cường chiến đấu, đánh trả, bẻ gãy nhiều cuộc hành quân càn quét của địch, có lúc lên tới 03 tiểu đoàn. Nhờ vậy căn cứ được bảo vệ an toàn cho đến ngày giải phóng 1975. Để ghi nhớ trang sử truyền thống cách mạng, tại địa điểm 1 thời Thị xã ủy Vị Thanh đứng chân, kiên cường chiến đấu với kẻ địch. Năm 2010, đặc biệt là năm 2019 thành phố Vị Thanh quyết định xây dựng khu lưu niệm kiên cố, khang trang tại đây. Tọa lạc tại ấp 2, xã Vị Tân trên diện tích quy hoạch 2.200 m2, khu di tích gồm các hạng mục: Nhà lưu niệm, nhà bia, một phần cảnh quan và khu vui chơi cho nhân dân. Ngày 03/10/2005, UBND tỉnh Hậu Giang ra Quyết định số 2169/QĐ-CT xếp hạng khu di tích Thị xã ủy vị Thanh là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.