Chi tiết tin - Cải cách hành chính

 

Kỷ yếu Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng

Ngày 05-10-2023 - Lượt xem: 447

I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng ngày nay toạ lạc trên địa bàn xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang; cách TP Cần Thơ khoảng 40km về phía Tây Nam sông Hậu. Từ thuở xa xưa Lung Ngọc Hoàng là vùng đồng trũng ngập nước trải dài từ phía Tây sông Hậu đến tận vùng U Minh; nơi đây chỗ nào cũng toàn bưng trấp, năn, lác và lau sậy dày đặc nên các loài lưỡng cư và cá tôm quần tụ về đây vô số kể. Qua từng thời kỳ lịch sử, các thế hệ cư dân trong và ngoài vùng sông Hậu đến Lung Ngọc Hoàng khai thác, sử dụng với những mức độ khác nhau. Theo sách “Địa chí Cần Thơ” (xuất bản năm 2002) ghi nhận cách nay trên 120 năm đã có người đặt chân đến Lung Ngọc Hoàng để canh tác và sinh sống. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã có một số điền chủ đến tiếp tục khai hoang đất đai để trồng lúa và khai thác nguồn lợi thuỷ sản tôm, cá. Sau Cách mạng Tháng Tám và trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cánh đồng Phương Ninh - trong khu vực Lung Ngọc Hoàng là căn cứ cách mạng của Huyện ủy Long Mỹ và Phụng Hiệp. Một số cơ quan của Tỉnh, của Khu ủy Tây Nam bộ đã từng đóng quân ở vùng này. Từ khá lâu trong dân gian đã lưu truyền các câu thơ gợi nhớ về Lung Ngọc Hoàng, cho đến ngày nay ai cũng nhắc lại khi đặt chân đến đây:

“Công danh đâu nữa mà chờ/ Về kênh Long Phụng đặt lờ nuôi em”.

“Công danh đâu nữa mà đi/ Về kênh Long Phụng đặt xà vi em nhờ”.

 Hay: “Anh đi du kích đã lâu/ Anh về không có xẹt bồ câu em buồn”.

Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, khu vực Lung Ngọc Hoàng là nơi oanh tạc tự do của máy bay Mỹ, Ngụy, mỗi khi chúng đi càn quét ở đâu về, còn bao nhiêu bom đạn thì chúng trút hết xuống khu đất này, trước khi về sân bay. Trong hoàn cảnh ác liệt như vậy, bà con nông dân không có điều kiện tiếp tục khai thác, toàn vùng đất thuộc Lung Ngọc Hoàng dần dần trở nên hoang hoá, chỉ là vùng căn cứ cách mạng của ta trong suốt thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Sau ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, để góp phần cùng tỉnh nhà khai hoang, phục hoá mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp, khắc phục hậu quả sau chiến tranh và phát triển kinh tế - xã hội, năm 1976 Lung Ngọc Hoàng chuyển thành Nông trường Phương Ninh với diện tích 5.100 ha trong vùng đất vốn hoang hoá thời chiến tranh. Nông trường Phương Ninh tồn tại từ năm 1976 đến năm 1982 thì chuyển hướng sang làm lâm nghiệp. Năm 1983 Lâm trường Phương Ninh được thành lập. Từ khi được thành lập, Ban Lãnh đạo lâm trường đã tập trung xây dựng hệ thống kinh, mương tương đối hoàn chỉnh, xuyên qua các lung bưng, rừng cây và khu dân cư, rất thuận lợi cho việc khai thác nông - lâm - thủy sản và phòng cháy chữa cháy rừng. Từ năm 1983 đến năm 2002, lâm trường đã tập trung đầu tư trồng hơn 1.400 ha rừng tràm, hơn 80 ha rừng cây phân tán trên các tuyến bờ kinh và khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường.

Năm 2002, Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được thành lập theo Quyết định số 13/2002/QĐ-TTg ngày 14-01-2002 của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức và hoạt động của Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng theo “Quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên, ban hành kèm theo Quyết định số 08/2001/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ”.

Việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và những tiềm năng của hệ sinh thái đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng hướng vào mục tiêu bảo tồn những sinh cảnh tự nhiên, sự đa dạng sinh học với các loài sinh vật bản địa của hệ sinh thái đất ngập nước; duy trì sự cân bằng sinh thái, gia tăng độ che phủ rừng và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng ngập nước phía Tây sông Hậu; đồng thời góp phần bảo tồn các giá trị về văn hóa, lịch sử, nhân văn của vùng đồng bằng Nam Bộ. Có thể nói, đã từ lâu Lung Ngọc Hoàng từng được mệnh danh là “rún cá” và một “vựa rắn” của miền Tây, nay đã trở thành “lá phổi xanh” của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và còn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dạng độc đáo nhất cả nước hiện nay. Gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã ký Quyết định số 1015/QĐ-UBND ngày 07 tháng 6 năm 2021“về việc Phê duyệt Đề án du lịch sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng”. Theo đó, khu du lịch sinh thái trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng có diện tích khoảng 2.800 ha, nằm trên địa bàn của huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang và được xác định là trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh Hậu Giang gắn với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái; nghiên cứu, tham quan, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên vùng đất ngập nước, dã ngoại cuối tuần, nghỉ lễ, nghỉ hè…Và, trong tương lai có khả năng trở thành khu du lịch rất độc đáo vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long mang tầm cỡ quốc gia.

Trải qua các giai đoạn lịch sử, khu vực Lung Ngọc Hoàng đã ghi những dấu ấn rất đậm nét quá trình khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên sản vật của vùng ngập nước, trong việc phòng chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm giữ vững độc lập, chủ quyền dân tộc. Đến nay, khi nói đến Lung Ngọc Hoàng, nhiều người còn nhắc lại các giai thoại từng được lưu truyền trong dân gian như, tại Lung này từ xa xưa đã có nhiều Tiên từ trên Trời xuống tắm, nên gọi là Lung Ngọc Hoàng. Nói đến Lung Ngọc Hoàng, nhiều người còn nói đến các tên gọi khác như cánh đồng Phương Ninh, Ba Đìa, Gò Lức, Lung Chà, Lung 18 và các địa danh huyền thoại như: Kinh Long Phụng,  Kinh Bửu Long, Kinh Năm,  Khu Ông Thần Tiên, Lung Ông Trời…Các tên gọi trên có hàm ý nói về một vùng trũng, lung bàu, tới mùa nước nổi chỉ có trời với nước và đặc điểm là nước không bao giờ cạn, cùng với sự đa dạng sinh học của các loài sinh vật bản địa của hệ sinh thái đất ngập nước. Qua quá trình hàng trăm năm, những cư dân đến sinh cơ, lập nghiệp trên vùng ngập nước, trũng thấp này đã góp phần cùng nhân dân Hậu Giang tạo nên những truyền thống có giá trị lịch sử và thời đại trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Cố Thủ tướng Võ Văn  Kiệt đã nhận định: “Cả thế giới chưa có cái lung như thế này. Lung Ngọc Hoàng có vị trí và giá trị đặc biệt về khoa học, lịch sử, có giá trị tầm cỡ thế giới”. Do vậy, việc xây dựng kỹ yếu “Lịch sử hình thành và phát triển Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng” là rất cần thiết.

Qua hơn 20 năm hoạt động, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đã thực hiện hoàn thành trên cơ bản các chỉ tiêu kế hoạch của đơn vị và nhiệm vụ cấp trên giao:

- Khu bảo tồn được tỉnh đầu tư nâng cấp hệ thống đê bao, thuỷ lợi khá hoàn chỉnh, đảm bảo đưa nước vào rừng phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng và tổ chức sản xuất, tạo thuận lợi cho quản lý bảo vệ rừng tập trung. Xây dựng đường mòn lâm nghiệp với chiều dài hơn 23km để phục vụ công tác tuần tra bảo vệ tài nguyên rừng.

- Về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng thực hiện đạt 100% kế hoạch, không để xảy ra vụ cháy lớn nào trên địa bàn.

- Thực hiện tốt và thường xuyên chăm sóc rừng, đặc biệt quan tâm 110 ha rừng trồng dự án 661 và cây sao, dầu trồng phân tán và trồng rừng thay thế 50 ha rừng theo Kế hoạch 113/KH-UBND ngày 03/6/2021 của UBND tỉnh.

- Ứng dụng công nghệ trong phòng cháy chữa cháy rừng (lắp đặt hệ thống camera quan sát cháy rừng). Đồng thời xây dựng 03 trạm bơm điện phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

- Thực hiện Dự án khu tái định cư với diện tích 5,4 ha và chuyển đổi 49,35 ha đất rừng sang đất sản xuất để thực hiện dự án di dời dân trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt ra khu sản xuất.

- Thực hiện tốt việc kết hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng để giải quyết các vụ lấn chiếm đất rừng.

- Các tổ nhân dân tự quản, tổ phòng cháy, chữa cháy rừng đã được củng cố hoàn thiện và hoạt động có hiệu quả; Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền và vận động nhân dân tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng.

- Thường xuyên hướng dẫn nông dân tăng gia sản xuất nông nghiệp kết hợp lúa, mía với nuôi trồng thủy sản, phát huy hiệu quả và mở rộng mô hình câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản. Hiện nay toàn đơn vị có 506,10 ha đất sản xuất lúa (sản xuất 2 vụ/năm) và 661,41 ha đất sản xuất mía; có 2 câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản, gồm 38 thành viên, nuôi trồng trên diện tích 20 ha mặt nước và nhiều hộ nuôi riêng lẻ.

II. CÁC THÀNH TÍCH VỀ KTXH - ANQP (TỪ NĂM 2004 ĐẾN NAY)

- Cờ phong trào thi đua yêu nước năm 2014 (Hạng ba cấp tỉnh).

- Bằng khen của ủy ban nhân nhân tỉnh Hậu Giang các năm 2012, 2013, 2014, 2015, 2020, 2021.

- Giấy khen của Giám đốc công an tỉnh Hậu Giang về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc năm 2019.

- Bằng khen của ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc năm 2020.

- Bằng khen của ủy Ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc năm 2021.

III. CÁC SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐƠN VỊ TỪ NĂM 2004 ĐẾN NAY

- Tổng kết và kỷ niệm 10 năm thành lập.

- Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.

Một số hình ảnh hoạt động:

Ảnh: hội nghị tổng kết 10 năm thành lập (2002-2012).

Ảnh: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh đến khảo sát Lung Ngọc Hoàng

Ảnh: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng Lung Ngọc Hoàng là tài sản quý của tỉnh Hậu Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung

Ảnh: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh đến khảo sát Lung Ngọc Hoàng


Đang online: 1
Hôm nay: 756
Đã truy cập: 945656