Chi tiết tin - Cải cách hành chính

 

Kỷ yếu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Ngày 15-08-2023 - Lượt xem: 64

 I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

- Quá trình thành lập: tỉnh Hậu Giang đựơc tách từ tỉnh Cần Thơ cũ từ 01/01/2004 đến nay và Sở Lao động-Thương binh & Xã hội Hậu Giang đựơc Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 10/2004/QĐ.UB, ngày 02/01/2004. Thực hiện theo Nghị định số 13/2008/NĐ-CP, UBND tỉnh ra Quyết định số 20/2008/QĐ-UBND, ngày 18/4/2008 thành lập Sở trên cơ sở tiếp nhận chức năng và tổ chức về bảo vệ và chăm sóc trẻ em từ Ủy ban Dân số, Gia đình và trẻ em vào Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hậu Giang.

- Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức, bộ máy, nhân sự theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh; giảm đầu mối đúng theo mục tiêu Nghị quyết đã đề ra, trong đó đã chuyển đổi 01 Chi cục thành phòng chuyên môn, giảm 02 phòng chuyên môn và 03 đơn vị sự nghiệp so với trước đây. Thực hiện bố trí, sắp xếp số lượng công chức hợp lý, nhất là không thừa lãnh đạo cấp phòng. Sau sắp xếp các phòng chuyên môn thuộc Sở đã nhanh chóng ổn định và đi vào hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ gắn với vị trí việc làm.

- Về chức năng: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về: Lao động, tiền lương và việc làm trong khu vực doanh nghiệp; giáo dục nghề nghiệp (trừ sư phạm); bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội (sau đây gọi chung là lĩnh vực lao động, người có công và xã hội) và theo phân công hoặc ủy quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

- Về cơ cấu tổ chức: Sở Lao động Thương binh và Xã hội hiện có 07 phòng chuyên môn, gồm: Văn phòng; Thanh tra; Kế hoạch - Tài chính; Người có công; Lao động - Việc làm - Giáo dục nghề nghiệp; Bảo trợ xã hội - Trẻ em và Bình đẳng giới; Phòng, chống tệ nạn xã hội và 04 đơn vị trực thuộc gồm: Trung tâm Công tác xã hội, Trung tâm dịch vụ việc làm, Ban Quản trang, Nhà tang lễ. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hiện có 121 công chức, viên chức, người lao động. Trong đó, có 01 Bác sĩ chuyên khoa II, 07 Thạc sĩ, 78 Đại học, 04 Cao đẳng, 15 Trung cấp và 16 trình độ khác.

II. THÀNH TỰU NỔI BẬT CỦA NGÀNH LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỪ NĂM 2004 ĐẾN NAY

Giai đoạn 2004 - 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch được giao trong điều kiện tỉnh nhà còn nhiều khó khăn, thách thức: những năm đầu mới chia tách từ thành phố Cần Thơ, Tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao 23,55%; điều kiện để phát triển nhiều hạn chế; tình trạng biến đổi khí hậu, sạt lở, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp; đặc biệt trong 2 năm 2020 - 2021, đại dịch Covid-19 diễn ra tác động mạnh mẽ, toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Quán triệt Nghị quyết số 21-NQ/TW và Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh cụ thể hóa bằng các Chương trình, Kế hoạch, Đề án nhằm mục đích đưa Nghị quyết, Kết luận đi vào cuộc sống, phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Từng thời điểm, thời gian cụ thể ngành có nhiều nỗ lực, tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm như: giải quyết dứt điểm hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng; triển khai thực hiện các quy định mới về chính sách giảm nghèo; hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo, cung ứng lao động cho doanh nghiệp; triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19;...Trước bối cảnh đó, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thường trực: Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp, đồng hành của các cấp các ngành trong tỉnh, sự hỗ trợ về chuyên môn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sự nỗ lực, đồng thuận, đoàn kết của tập thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động toàn ngành. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai thực hiện công tác Lao động, người có công và xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật và hoàn thành vượt các chỉ tiêu do Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao.

Thứ nhất, số việc làm mới được tạo ra trong năm 2022 là 17.490/15.000 lao động, tăng 12,1% so với năm 2004 (năm 2004 là 15.677/15.000 lao động). Giải quyết việc làm giai đoạn 2004-2022 là 382.623/355.000 lượt lao động, đạt tỷ lệ 107,79% kế hoạch đề ra. Công tác giải quyết việc làm và tạo việc làm mới cho người lao động luôn được quan tâm đúng mức; có nhiều giải pháp để phát triển thị trường lao động, nhất là thị trường lao động ngoài nước; tăng cường công tác dự báo về nhu cầu của thị trường lao động; thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, tăng cường giao dịch việc làm, chủ động cung cấp nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động.

Thứ hai, số lao động được đào tạo nghề giai đoạn 2004 - 2022 là 151.341/138.160 người, đạt 110% kế hoạch đề ra. Tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối năm 2022 đạt 65,37%, tăng 51,77% so với năm 2004 (năm 2004 là 13,6%). Thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới phương pháp đào tạo gắn với thị trường lao động; chuyển hướng cơ cấu các ngành, nghề tuyển sinh và phát triển đào tạo theo nhu cầu của xã hội; tập trung đầu tư mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực.

Thứ ba, sau khi chia tách tỉnh Hậu Giang từ tỉnh Cần Thơ cũ, thực hiện chuẩn nghèo giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Hậu Giang cuối năm 2005 là 23,55%. Tính đến cuối năm 2021, thực hiện chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 2,19%. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân trên 02%/năm. Tập trung thực hiện các chính sách đối với người nghèo gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời, tăng cường công tác vận động xã hội hóa thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; hộ nghèo, hộ cận nghèo được ưu tiên hỗ trợ tạo sinh kế phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với nhu cầu và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được thực hiện tương đối toàn diện, ngoài trợ cấp thường xuyên còn có chế độ trợ cấp một lần, chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng, phục hồi chức năng, y tế, giáo dục đào tạo, cải thiện nhà ở, đất ở,… với tổng kinh phí thực hiện trên 2.647.909 triệu đồng. Đời sống người có công không ngừng được nâng lên, mức chuẩn trợ cấp hiện nay là 1,624 triệu đồng/tháng, cao hơn 456% so với năm 2004 là 0,292 triệu đồng/tháng; 98% số hộ người có công có mức sống trung bình và khá trở lên; 97% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác người có công. Chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội từng bước được hoàn thiện. Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật và các chương trình, đề án trợ giúp đối tượng yếu thế được thực hiện đồng bộ; 100% đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện trợ cấp xã hội hàng tháng, có nhu cầu trợ cấp đều được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên và các chính sách hỗ trợ kèm theo; hỗ trợ đột xuất, thăm hỏi, tặng quà, chúc thọ, mừng thọ tại cộng đồng đúng theo chủ trương của Đảng, chính sách, quy định của Nhà nước. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh cũng như vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng chung tay hỗ trợ, chăm lo, thực hiện chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng kinh phí thực hiện 47.800 triệu đồng.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành được nâng lên, nội dung, phương thức quản lý từng bước được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển trong tình hình mới; tổ chức bộ máy được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Với sự nổ lực, đoàn kết ngành Lao động-Thương và Xã hội đã được 04 lần nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, 11 lần nhận Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh; 02 lần nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, đặc biệt, năm 2011 được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Bằng khen và năm 2013 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III”.


Đang online: 2
Hôm nay: 770
Đã truy cập: 945670