I. Quá trình hình thành và phát triển
Thực hiện Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa XI kỳ họp thứ 4 về việc chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó chia tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang. Ngày 01/01/2004, Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 03/2004/QĐ-UBND ngày 01 tháng 01 năm 2004 của Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Hậu Giang về việc thành lập Sở Kế hoạch và Đầu tư thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang; Quyết định số 12/2008/QĐ-UBND ngày 18 tháng 4 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc thành lập Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang.
Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thông tư liên tịch số 05/2009/TTLT/BKHĐT-BNV ngày 05/8/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Sở Kế hoạch và Đầu tư được Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang tổ chức, sắp xếp theo Quyết định số 20/2011/QĐ-UBND ngày 05 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang; Quyết định số 41/2012/QĐ-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 20/2011/QĐ-UBND ngày 05 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang; Quyết định số 38/2016/QĐ-UBND ngày 02 tháng 11 năm 2016 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang; Quyết định số 28/2019/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2019 về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 3 Quyết định số 38/2016/QĐ-UBND ngày 02 tháng 11 năm 2016 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang.
Thực hiện Đề án sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Kế hoạch và Đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Sở Kế hoạch và Đầu tư được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt Quyết định số 2302/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, đơn vị đã sắp xếp lại, hiện có Văn phòng Sở và 04 phòng chuyên môn, nghiệp vụ (Đăng ký kinh doanh; Tổng hợp, Quy hoạch; Hợp tác đầu tư; Thanh tra - Thẩm định).
Số lượng biên chế công chức được giao là 37 biên chế (trong đó 33 biên chế Công chức và 04 hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP).
II. Các thành tích về KTXH - QPAN từ năm 2004 đến nay
Qua 19 năm thành lập Tỉnh, trong bối cảnh kinh tế cả nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội; sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân còn nhiều khó khăn, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng cao, nhưng nguồn lực còn hạn hẹp. Mặc dù còn một số tồn tại, hạn chế nhất định nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh đã chuyển biến tích cực, phát triển đúng hướng trên các lĩnh vực.
Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế của Tỉnh đạt 38.362 tỷ đồng, tương đương 1,65 tỷ USD, gấp 8,2 lần năm 2004 (năm 2004 là 4.678 tỷ đồng), chiếm 0,48% GDP cả nước (quy mô nền kinh tế cả nước 343 tỷ USD).
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 17 năm đạt 7,1%; trong đó giai đoạn 2004 - 2010 tăng 12,1%, giai đoạn 2011 - 2015 tăng 6,27%, giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,26%. Khu vực I: Tăng trưởng khoảng 2,25%/năm, khu vực II: Tăng trưởng khoảng 12%/năm, khu vực III: tăng trưởng khoảng 6%/năm.
GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 52,78 triệu đồng/năm, tương đương 2.267 USD, gấp 8,8 lần so với năm 2004, bằng 96% mức thu nhập bình quân đầu người của vùng (vùng 55 triệu đồng) và bằng 82,4% mức thu nhập bình quân đầu người của cả nước (cả nước 64 triệu đồng).
Cơ cấu kinh tế khu vực I, II, III năm 2004 là: 45,59% - 28,71% - 25,7%, đến năm 2020, cơ cấu kinh tế khu vực I, II, III là: 26,53% - 24,58% - 39,13%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 9,76%. Trong 17 năm, tỷ trọng khu vực I đã giảm 19,06%, bình quân mỗi năm khu vực I giảm 1,12% (Cơ cấu kinh tế năm 2020 của cả nước, khu vực I, II, III là: 14,85% - 33,72% - 41,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,8%).
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn giai đoạn 2004 - 2010 khoảng 32.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 61.000 tỷ đồng, giai đoạn 2016 -2020 khoảng 90.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 15,3%/năm, bình quân mỗi năm huy động 10.000 - 11.000 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách nhà nước đến cuối năm 2020 là 10.889 tỷ đồng, tăng gấp 11,85 lần so với năm 2004 (năm 2004: 919 tỷ đồng), tăng bình quân 15,65%/năm, trong đó: thu nội địa là 3.792 tỷ đồng, tăng gấp 21,18 lần so với năm 2004 (năm 2004: 179 tỷ đồng), tăng bình quân 19,67%/năm, chiếm 0,3% tổng thu của cả nước.
Về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) bình quân giai đoạn 2004 - 2020 là 5,43 (bình quân cả nước là 6,25), trong đó giai đoạn 2004 - 2010 là 2,94, giai đoạn 2010 - 2015 là 6,3, giai đoạn 2015 - 2020 là 6,7. Giai đoạn 2010 - 2020, hệ số ICOR của Tỉnh còn cao, là do phần lớn nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng, thời gian thu hồi vốn chậm.
Năng suất lao động xã hội đạt 98 triệu đồng/lao động/năm (năm 2004 là 11,27 triệu đồng/lao động/năm), tăng bình quân 13,3%/năm, bằng 83,13% năng suất lao động bình quân cả nước (cả nước là 117,9 triệu đồng mỗi lao động).
Đến năm 2020, lao động đang làm việc trong nền kinh tế 391.494 người. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm ở khu vực I và tăng ở khu vực II và III. Cơ cấu lao động khu vực I, II, III năm 2004 là 79,1% - 5,9% - 15%, đến năm 2020 là 44,3% - 22% - 33,7%. Lao động khu vực I đã giảm được 34,8%, bình quân mỗi năm giảm 2%. Giải quyết việc làm bình quân hàng năm 20.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61,19% (năm 2004 là 17%), thấp hơn bình quân cả nước là 64,5%.
Năm 2022, Nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua 18 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, ước cả năm có 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch (tăng trưởng kinh tế; cơ cấu kinh tế; GRDP bình quân đầu người; kim ngạch xuất nhập khẩu; tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; số doanh nghiệp đang hoạt động và có kê khai thuế; tỷ lệ đô thị hóa; lao động việc làm; tỷ lệ hộ nghèo; nông thôn mới; y tế; tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch); 05 chỉ tiêu đạt kế hoạch (dân số; giáo dục; tỷ lệ rác thải sinh hoạt ở đô thị và nông thôn được thu gom và xử lý; quốc phòng; an ninh); cụ thể:
1. Lĩnh vực kinh tế
(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 14,03% (kế hoạch 8%), trong đó: khu vực I tăng 3,75%, khu vực II tăng 32,66%, khu vực III tăng 9,59%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 12,9%.
(2) GRDP bình quân đầu người đạt 65,41 triệu đồng/người (kế hoạch 60,26 triệu đồng), tương đương 2.637 USD, tăng 19,45% so với cùng kỳ, vượt 8,55% kế hoạch.
(3) Cơ cấu kinh tế: chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực I, tăng khu vực II; khu vực I còn 23,71%, giảm 3,1% so với cùng kỳ; khu vực II: 30,23%, tăng 6,14% so với cùng kỳ; khu vực III: 36,62%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 9,44%. Nhóm chỉ tiêu này vượt kế hoạch.
(4) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn theo giá hiện hành 19.125 tỷ đồng, tăng 10,36% so với cùng kỳ, vượt 2,82% kế hoạch.
(5) Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5.976 tỷ đồng, tăng 20,49% so với cùng kỳ, vượt 24,5% kế hoạch; trong đó: thu nội địa 5.300 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu 676 tỷ đồng, tăng 29,85% so với cùng kỳ.
(6) Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 1.121 triệu USD, tăng 15,69% so với cùng kỳ, vượt 5,95% kế hoạch, trong đó: tổng kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ 769 triệu USD, tăng 25,7% so cùng kỳ, vượt 0,13% kế hoạch. Kim ngạch nhập khẩu 352 triệu USD, bằng 98,32% so với cùng kỳ, vượt 21,38% kế hoạch.
(7) Số doanh nghiệp có hoạt động và kê khai thuế 3.150 doanh nghiệp, tăng 393 doanh nghiệp so với cùng kỳ, vượt 6,78% kế hoạch.
2. Lĩnh vực văn hóa - xã hội
(8) Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 6,08%o, đạt kế hoạch.
(9) Tỷ lệ đô thị hóa 29,75%, vượt 0,1% kế hoạch.
(10) Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,46% so với cùng kỳ, dự kiến cuối năm còn 4,99%, vượt kế hoạch.
(11) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65,37%, tăng 2,11% so với cùng kỳ. Số lao động được tạo việc làm là 17.490 lao động, tăng 5,88% so với cùng kỳ, vượt 16,6% kế hoạch. Nhóm chỉ tiêu này vượt kế hoạch.
(12) Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 82,7% tổng số trường, tăng 0,26% so với cùng kỳ (tăng 02 trường), vượt 0,3% kế hoạch; số sinh viên trên 10.000 người dân là 210 sinh viên, tăng 2,44% so với cùng kỳ. Nhóm chỉ tiêu này đạt kế hoạch.
(13) Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng 10,49%; số bác sĩ trên 10.000 người dân là 9,01 bác sĩ, số giường bệnh trên 10.000 người dân là 35,7 giường; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,81%. Nhóm chỉ tiêu này vượt kế hoạch.
(14) Xây dựng công nhận mới 03 xã nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới lên 37/51 xã, đạt 72,55% tổng số xã. Xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao đạt 21,62% (8 xã/37 xã). Nhóm chỉ tiêu này vượt kế hoạch.
3. Tài nguyên, môi trường
(15) Tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch 97%, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch 88,95%. Nhóm chỉ tiêu này vượt kế hoạch.
(16) Tỷ lệ rác thải sinh hoạt ở đô thị và nông thôn được thu gom và xử lý 90%, đạt kế hoạch.
4. Lĩnh vực quốc phòng - an ninh
(17) Xây dựng lực lượng quân sự, công an chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt 1,75% dân số đúng theo quy định của Quân khu. Hoàn thành tốt công tác huấn luyện, diễn tập, giáo dục bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh và công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ.
(18) Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác cải cách tư pháp được quan tâm, tai nạn giao thông được kéo giảm.
Qua những thành tựu và kết quả phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang đạt được sau 19 năm thành lập có ý nghĩa vô cùng quan trọng, khẳng định tính đúng đắn, ý nghĩa thực tiễn, lâu dài và tầm nhìn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ khi quyết định thành lập tỉnh Hậu Giang; đồng thời khẳng định mạnh mẽ những nỗ lực vượt bậc, minh chứng sinh động và thuyết phục cho tinh thần đoàn kết, hợp tác và trách nhiệm, tinh thần chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận cao của nhân dân, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng tỉnh Hậu Giang.
III. Các sự kiện nổi bật từ năm 2004 đến nay
Dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, 05 năm và hàng năm của tỉnh; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 5 năm, hàng năm; bố trí kế hoạch vốn đầu tư công thuộc ngân sách địa phương; các cân đối chủ yếu về kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tổng hợp báo cáo định kỳ và đột xuất về thực hiện nhiệm vụ các lĩnh vực được phân công cho UBND tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền theo quy định và khi có yêu cầu đột xuất.
Tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh dự thảo các Chương trình hành động, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, của Chính phủ về lĩnh lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Chủ trì xây dựng kế hoạch và bố trí mức vốn đầu tư phát triển cho từng chương trình, dự án thuộc nguồn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý phù hợp với tổng mức đầu tư, cơ cấu đầu tư theo ngành và lĩnh vực trên địa bàn của toàn tỉnh, đề xuất phương án cân đối vốn đầu tư công do Ban Giám đốc phân công, kể cả các nguồn: ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia; các nguồn viện trợ phi Chính phủ (NGO).
Thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn và thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư tất cả các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh theo Luật Đầu tư công.
Kiểm soát chặt chẽ các kế hoạch điều chỉnh dự án đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu các năm, đáp ứng vốn đối ứng cho các dự án nguồn vốn ODA, NGO. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo được chuyển biến tích cực trong triển khai xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh những năm gần đây trung bình khoảng 20.000 tỷ đồng/năm.
Về thu hút đầu tư
* Cấp giấy chứng nhận đầu tư trong nước
Từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh cấp 530 giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn 136.964,2 tỷ đồng.
Từ trước đến nay thu hồi 13 giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn là 750,85 tỷ đồng, trong đó có 01 giấy chứng nhận đầu tư trong khu, cụm công nghiệp.
Đến nay, toàn tỉnh có 517 giấy chứng nhận đầu tư trong nước, với tổng số vốn 136.213,3 tỷ đồng.
* Cấp chủ trương đầu tư
- Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI):
+ Cấp mới dự án FDI 34, với tổng số vốn đăng ký 691.698.301 USD.
+ Thu hồi 10 chủ trương đầu tư với tổng số vốn 83.815.465 USD.
+ Đến nay, toàn tỉnh có 24 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký 607.421.298 USD.
- Về đầu tư trong nước:
+ Từ trước đến nay, toàn tỉnh có 409 chủ trương đầu tư đã được cấp, với tổng số tiền 172.281,4 tỷ đồng, trong đó có 278 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp với tổng số vốn là 22.147,4 tỷ đồng và 71 dự án trong khu công nghiệp với tổng số vốn là 149.802,2 tỷ đồng, 04 dự án trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang với tổng số vốn là 331,8 tỷ đồng.
+ Từ trước đến nay thu hồi 63 dự án với tổng số vốn là 2.276,6 tỷ đồng.
+ Đến nay, toàn tỉnh có 346 dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư 170.004,8 tỷ đồng, trong đó: có 271 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp với tổng số vốn là 19.870,8 tỷ đồng và 71 dự án trong khu công nghiệp với tổng số vốn là 149.802,2 tỷ đồng, 4 dự án trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang với tổng số vốn là 331,8 tỷ đồng.