Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động
Dự Lễ phát động có ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Thường trực HĐND tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tiêu biểu về thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Chương trình được tổ chức trực tiếp và kết nối trực tuyến với 83 điểm cầu cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Tại Hậu Giang, Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm nay có chủ đề “Người dân Hậu Giang tham gia chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số”. Chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong tỉnh. Chuyển đổi số hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số và phát triển đô thị thông minh nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, hoạt động đối ngoại, góp phần xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững.
Ông Lê Thành Tông đại diện doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn huyện Châu Thành A chia sẻ trực tuyến về những thuận lợi cũng như khó khăn trong quá trình tham gia chuyển đổi số
Phát biểu tại lễ phát động Ngày Chuyển đổi số quốc gia, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Tỉnh đã có cái nhìn tổng quan về những kết quả tích cực bước đầu của quá trình chuyển đổi số, cụ thể như: nhận thức về chuyển đổi số của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và nhân dân đã chuyển biến tích cực. Người dân bắt đầu có ý thức trách nhiệm và mong muốn được tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu phục vụ cho chính quyền số cơ bản đáp ứng. Kinh tế số, xã hội số của tỉnh bắt đầu được hình thành. Tỉnh đã từng bước hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của các địa phương lên sàn thương mại điện tử. Đã triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng đến 100% các ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân đăng ký tài khoản dịch vụ công, nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử,… Bên cạnh kết quả bước đầu đạt được, quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh cũng còn những khó khăn như: khả năng tiếp cận chuyển đổi số của một bộ phận cán bộ và nhiều người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Việc phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật chưa tương xứng với quy mô đầu tư cho hạ tầng nền tảng số, nhất là chưa có đội ngũ chuyên gia, kỹ sư chuyển đổi số ở các sở, ngành và địa phương. Xây dựng và hoàn thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng còn hạn chế và rời rạc,…
Trong thời gian tới, Hậu Giang sẽ tiếp tục quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương và của tỉnh về chuyển đổi số. Phải xác định chuyển đổi số là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Tập trung xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số cho cấp sở, huyện, xã, phường, thị trấn, trường học, doanh nghiệp, bệnh viện. Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng tại 100% các ấp, khu vực để làm lực lượng nòng cốt trong thực hiện chuyển đổi số toàn dân. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân về chuyển đổi số. Nghiên cứu, có cơ chế thu hút, mời các chuyên gia công nghệ trong và ngoài tỉnh tham gia tư vấn, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số cấp tỉnh, đồng thời đề xuất thành lập Tổ chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số cho Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh…
Họa Mi